Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Phục Vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình

Đuốc Thiêng 101, tháng 07 & 09 năm 2009


«Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu» (I Corinhtô 15:58).

Phaolô viết một bức thư gởi cho tín đồ tại Hội thánh Côrinhtô. Sau lời thăm hỏi, khuyên răn, dạy dỗ, đến đoạn thứ 15, ông kết thúc bằng một lời kêu gọi Hội thánh Chúa tại Côrinhtô hãy «phục vụ Chúa» mà từ xưa  đến nay, câu đó trở thành khuông vàng thước ngọc cho không biết bao nhiêu người. Ông viết: «Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu» (I Côrinhtô 15:58). Qua câu Kinh thánh ngắn ngủi nầy, không ai ngờ được, Phaolô nêu lên mười (10) khía cạnh liên quan tới sự «phục vụ Chúa» nhằm mục đích giúp con cái Chúa trong Hội thánh suy nghiệm hầu thấu triệt phận sự của một người phục vụ Chúa phải làm sao cho kết quả và hưởng được bông trái của công lao phục vụ Chúa của mình mà không trở thành vô ích.

I. Ý nghĩa: «làm công việc Chúa»

Phục vụ Chúa có nghĩa là gì? Kinh Thánh cả Cựu ước và Tân ước dùng một số từ ngữ diễn đạt sự phục vụ Chúa như «phụng sự Chúa» (Xuất 3:12, 4:23, 27:19, 30:20, II Sử 24:14, 31:12), «phục sự Chúa» (Sáng 24:40, Phục 6:13, 10:8,12,20, Giôsuê 24:15,18, I Sa 12:14,20, Gióp 36:11, Rô 10:3), «hầu việc Chúa» (Xuất 23:25, Phục 17:3, I Sử 23:13, 24, II Sử 24:16, 30:8, Thi 18:43, 100:2, 119:91, Êx 40:46, Sô 3:9, Mác 15:41, Lu 1:75, Giăng 12:26, Rô 12:11, 14:8, 15:17, I Cô 7:35). Đặc biệt trong I Côrinhtô 15:58, Phaolô cắt nghĩa chữ phục vụ Chúa là «hãy làm công việc Chúa», một lời giải thích ngắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, gợi hình, ai cũng hiểu được. Theo Phaolô, phục vụ Chúa có nghĩa đơn giản là «làm công việc Chúa». Phaolô nói: «Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa».

Làm công việc Chúa bao gồm nhiều lãnh vực không kể ra hết được. Từ việc dạy dỗ, làm gương cho con cái, đến những việc như giảng dạy lời Chúa, đi nói về Chúa cho mọi người, giúp đỡ đức tin anh em, an ủi khi người gặp thử thách hoạn nạn, dâng hiến thì giờ, tiền bạc cho công việc Chúa, thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, góp phần vào những công tác của Hội thánh địa phương v.v... Tất cả những gì chúng ta làm nhằm tôn vinh Chúa, qui vinh hiển cho danh Ngài, đều là làm công việc Chúa cả.

Trong thời nội chiến tại Hoa kỳ, Tổng thống Abraham Lincoln dùng một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan trẻ tuổi nầy nổi danh là một quân nhân gan dạ dũng cảm. Do đó công việc bàn giấy xem ra không mấy thích hợp với anh. Anh chỉ ước mơ được trở lại chiến trường, xông pha ngang dọc ngoài mặt trận. Anh nghĩ rằng, chỉ nơi trận mạc, anh mới có thể phục vụ xứ sở một cách đắc lực và có ý nghĩa hơn, nếu cần anh sẵn sàng chết cho quê hương hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán nơi bàn giấy. Anh không ngừng than phiền với Tổng thống Abraham Lincoln về vị trí tù túng nơi văn phòng và xin Tổng thống cho anh trở lại chiến trường. Ngày nọ, sau khi nghe không biết bao nhiêu lời than phiền của viên thư ký, Abraham Licoln nhìn thẳng vào mắt anh, nói:

-Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thật anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh lại không muốn sống cho tổ quốc! Ra chiến trường cũng là làm công việc cho tổ quốc, mà ở bàn giấy, ở văn phòng cũng là làm việc cho tổ quốc. Việc nào cũng là phục vụ cho tổ quốc cả ! Sao anh muốn chết cho tổ quốc mà không muốn sống cho tổ quốc?

Một số con cái Chúa tưởng rằng làm những việc lớn mới là phục vụ Chúa, còn việc nhỏ như mở cửa nhà thờ, giúp việc văn phòng in chương trình, hay tiếp tân trước giờ thờ phượng, thăm viếng «kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ», đưa đón người tới nhà thờ v .v... chưa phải là việc đáng phải làm đối với họ. Tôi nghe có một số người muốn làm việc lớn mà khước từ làm việc nhỏ, có khi tức giận khi Hội thánh giao cho một chức vụ nhỏ so ra với vài chức vụ  khác có vẻ quan trọng hơn. Phải biết rằng tất cả những gì chúng ta làm cho Chúa  dù lớn dù nhỏ, đều là phục vụ Chúa cả.

Có một cậu bé kia tên là Jamie Scott. Cậu mơ ước được đóng một vai trong vở kịch tổ chức hằng năm tại trường, vì đêm trình diễn vở kịch nầy là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt của trường. Mẹ cậu sợ cậu không được chọn để đóng một vai nào, trong khi cậu thì để hết tâm hồn vào vở kịch. Vào ngày ban phụ trách đêm văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc chọn các diễn viên, mẹ cậu đến trường để đón cậu. Từ xa, bà thấy cậu chạy nhanh về phía bà với tất cả niềm vui bộc lộ qua khuôn mặt, đôi mắt sáng lên tỏ vẻ tự hào. Sau khi lấy lại bình tĩnh, cậu nói trong vui sướng:

-Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ, con được chọn để vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích các diễn viên!

Chúng ta có thỏa vui khi làm bất cứ việc gì được Chúa giao phó không? Đó là ý nghĩa của sự phục vụ Chúa.

II. Lý do: «vậy»

Đọc câu Kinh thánh I Côrinhtô 15:58, có thể chúng ta không thấy được lý do tại sao chúng ta phải vui mừng dấn thân phục vụ Chúa? Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy lý do phục vụ Chúa được Phaolô nhấn mạnh ở trong chữ «vậy» với một văn mạch mang tính hàm ý. «Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa». «Vậy» là một liên từ nối kết phần Kinh thánh phía trước mà Phaolô đã diễn giải với phần Kinh thánh phía sau, mà đặc biệt là câu Kinh thánh kêu gọi sự phục vụ Chúa ở đây. Trong I Côrinhtô 15:1-57 Phaolô nói Chúa Cứu Thế Giê Xu đã chết trên thập tự giá vì tội của chúng ta, Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba Ngài đã sống lại. (I Cô 15:3-4). Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ, rồi đây, những ai tin Ngài, dù đã chết, cũng sẽ được sống lại như Ngài trong vinh hiển để hưởng sự sống vĩnh hằng với Ngài.

Chúng ta có một Chúa sống, chiến thắng tử thần, cứu chúng ta ra khỏi sự chết của nọc tử thần và chúng ta cũng sẽ sống lại với Chúa, hưởng phước hạnh trường sinh với Ngài, đó chính là lý do chúng ta phải phục vụ Chúa. Chính vì vậy mà sau khi Đức Chúa Giê Xu từ cõi chết sống lại, thăng thiên về trời, các sứ đồ, các môn đồ và con cái Chúa đồng loạt đứng lên phục vụ Chúa, đi khắp thế gian «giảng Tin Lành cho mọi người» cùng làm nhiều công tác khác nữa như chúng ta thấy được ghi trong Kinh thánh. Đó cũng chính là lý do mà hằng triệu Cơ đốc nhân dấn thân phục vụ Chúa ở các Hội thánh địa phương mà còn sẵn sàng nghe tiếng gọi của Chúa đến các nước khác trên thế giới làm công việc Ngài. Mọi con dân Chúa đồng nói: Chúng ta thảy đều là tội nhân, làm nô lệ cho tội lỗi, đáng phải gánh hình khổ đời đời trong hồ lửa vực sâu. Nhưng Chúa Cứu Thế Giê Xu chịu chết gánh tội thay cho chúng ta, Ngài trả giá bằng chính huyết của Ngài cứu chuộc chúng ta. Ngài đã sống lại xưng công chính cho chúng ta. Chúa đã sống lại rồi! Chúa đã làm thành sự cứu chuộc cho chúng ta rồi! «Vì anh em  đã được chuộc bằng giá cao rồi. vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời» (I Cô 6:20), tức là hãy phục vụ Chúa.

Gần hai thế kỷ trước đây, một thương gia người Anh đi trên một chiếc tàu Thổ nhĩ kỳ. Trong khi ở trên tàu, ông chú ý đến một tên nô lệ. Ông đến gần, nói chuyện với anh ta và ngạc nhiên thấy sự sáng suốt thông minh của gã ấy. Vị thương gia nẩy ra ý định mua chuộc để giải phóng tên nô lệ nầy. Ông liền đi kiếm người chủ để thương lượng giá cả. Số tiền chuộc khá lớn.

Khi nghe thấy người thương gia thương lượng với chủ về giá cả mua chuộc mình, người nô lệ hiểu lầm ý định của người thương gia, cho nên rất công phẫn, liền tiến lại gần, quắc mắc căm hờn, nhìn vị thương gia hằn hộc nói:

-Anh là một công dân của nước Anh tự do dân chủ, một người chống chế độ nô lệ, thế mà anh bỏ tiền mua tôi làm nô lệ sao?

Vị thương gia thản nhiên đếm đủ số tiền chuộc trao cho người chủ, rồi quay lại nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt người nô lệ, nói:

-Phải, tôi mua chuộc anh, để cứu anh và giải phóng anh.

Nghe nói thế, người nô lệ rất xấu hổ về thái độ của mình, liền quì gối ôm chân vị chủ mới, khóc và nói:

-Ông đã chinh phục trái tim tôi. Bây giờ và cho đến mãi mãi, tôi hứa sẽ phục vụ ông.

Chúa đã chết vì tội chúng ta, đã sống lại để cứu rỗi chúng ta. Ơn cứu sinh ấy há chẳng phải là lý do để chúng ta phục vụ Ngài sao?

III. Nhân sự: «anh em»

Ai là người phải phục vụ Chúa? Một số người nghĩ việc phục vụ Chúa là việc của những người đặc biệt được Chúa kêu gọi như Mục sư, Truyền đạo hoặc là những ai được Hội Thánh tuyển chọn  như Chấp sự, Chấp hành hay ủy viên nầy nọ được Ban Chấp hành đề cử, còn tôi là một tín đồ bình thường thì việc phục vụ Chúa hay không chẳng hệ trọng gì. Những người nầy không hiểu nhân sự phục vụ Chúa là ai? Gồm những thành phần nào? Phaolô nói người phục vụ Chúa không ai khác hơn là «anh em», là người đã tin Chúa, người đang có mặt trong Hội thánh của Chúa. Ông nói: «Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi... hãy làm công việc Chúa».

Một sáng Chúa nhựt nọ, khi tan nhóm, con cái Chúa lần lượt ra về, vị Mục sư đứng ngay ở cửa chào hỏi và bắt tay từ giã từng người. Khi bắt tay một thanh niên, Mục sư kéo anh qua một bên, nói:

-Nầy anh, anh cần phải gia nhập vào đạo binh của Chúa để phục vụ Ngài chứ?

Người thanh niên trả lời:

-Tôi đã ở trong đoàn quân của Chúa rồi mà, thưa Mục sư!

Mục sư liền hỏi:

-Vậy sao tôi không thấy anh gia nhập vào các ban ngành của Hội thánh, cũng không thấy anh hiệp tác trong các buổi đi chứng đạo ?

Anh kề tai Mục sư, nói nhỏ để Mục sư vừa đủ nghe:

-Tôi là lính tình báo mà Mục sư!

Nhân sự phục vụ Chúa là chính anh em, không phải ai khác. Đừng trốn tránh trách nhiệm phục vụ Chúa. Đức Chúa Trời không cần «lính tình báo», vì Ngài là Đấng «vô sở bất tri» biết hết mọi, nhưng Ngài cần những người phục vụ Ngài.

Trong cuộc chiến tranh dành độc lập của Hoa kỳ, tại một đồn lính có một viên sĩ quan ra lệnh cho một hạ sĩ quan:

-Anh phải đem đống gỗ ở ngoài rào vào trong đồn ngay dùm.

Khi vị sĩ quan quay đi, thì vị hạ sĩ quan suy nghĩ: Những khúc gỗ thì dài và nặng. Ngoài rào thì nguy hiểm, mình dù sao cũng là hạ sĩ... Sực nhớ ra, người hạ sĩ bèn thổi còi tập họp những lính dưới quyền mình và ra lệnh:

-Phải đem đống gỗ ngoài rào vào trong đồn ngay!

Khi người hạ sĩ quan quay đi, mười hai người lính trong tiểu đội bàn tính: Ai sẽ đem gỗ vào? Gỗ nặng, ngoài rào thì nguy hiểm.Vì ai cũng là lính nên không biết ai phải thi hành. Thình lình từ xa có một người mặc thường phục cỡi ngựa đi tới. Lập tức những người lính ra lệnh dừng lại, bảo ông ta phải xuống ngựa và buộc khuân vác những khúc gỗ vào đồn. Những người lính rất vui vì giải quyết được sự khó khăn.

Người mặc thường phục đó hết sức vất vả vác từng khúc gỗ vào đồn. Sau khi hoàn tất công việc và được phép lên ngựa tiếp tục đi, người đó quay lại nói với những người lính:

-Sau nầy nếu có việc gì cần nữa, các anh cứ điện về Bộ Tổng Tư Lệnh, tôi là George Washington đây sẽ tới làm cho.

Tất cả những người lính sững sờ kêu lên: «Đại tướng George Washington!».

Nhiều Cơ đốc nhân giao thác mọi việc cho Mục sư, Truyền đạo, Chấp sự Hội thánh. Họ không biết rằng nhân sự phục vụ Chúa chẳng những ở những người lãnh đạo mà cũng chính là «mình» nữa, vì chúng ta là «anh em yêu dấu của...» những người lãnh đạo, như con cái Chúa ở Hội thánh Côrinhtô được Phaolô gọi là «anh em yêu dấu của tôi» vậy.

IV. Thái độ: «hãy vững vàng, chớ rúng động»

Người phục vụ Chúa khi làm công việc Chúa phải có thái độ như thế nào? Phaolô nói: «hãy vững vàng, chớ rúng động», nghĩa là phải can đảm chịu đựng, kiên trì, vững chí, quyết tâm không sờn lòng nản chí, không nao núng run sợ trước khó khăn, bắt bớ, chống đối và thử thách. Người phục vụ Chúa không vì bị chỉ trích phê bình hay gì gì đi nữa mà rúng động, chán nản bỏ cuộc hoặc lung lay không còn đủ nhuệ khí, năng lực phục vụ Chúa nữa, nhưng phải «vững vàng, chớ rúng động» trước mọi diễn biến của đời sống và chức vụ, phải hiên ngang vững tiến trước mọi hoàn cảnh như một anh hùng đức tin.

Một tấm gương can đảm, cương quyết, vững vàng làm công việc Chúa đáng nễ phục được Kinh thánh mô tả qua cuộc đời phục vụ Chúa của Nêhêmi. Ông làm quan Tửu chánh dưới triều vua Ạttaxétxe của đế quốc Batư. Ông đau buồn khi nghe kinh thành Giêrusalem bị hoang tàn đổ nát, mơ ước làm sao có ngày trở về quê hương xây lại tường thành. May mắn được vua Ạttaxétxe cảm thông cung cấp mọi nhu cầu dân sự và đầy đủ phương tiện trở về Giêrusalem khởi công tái thiết vách thành và đền thờ. Dù có lệnh vua, song công tác xây dựng luôn bị quân thù dân tộc Ysơraên quậy phá, chống đối, nhạo báng (Nê 4:1-6), tấn công giết chóc (Nê 4:7-9), mục đích của họ là làm sao cho dân sự xây cất sợ hãi, ngã lòng bỏ cuộc (Nê 4:10-11). Mặt khác, họ còn chủ tâm tấn công người lãnh đạo. Họ hảm hại Nêhêmi bằng một thứ mưu mô hạ cấp, vu cáo ông có tà tâm nổi loạn chống nghịch vua Batư (Nê 6:5-9) chẳng những bằng văn thư chính thức song cũng có nhiều thư nặc danh nữa rắp tâm hạ uy tín Nêhêmi cho bằng được. Nhưng Nêhêmi vững vàng không hề rúng động, truyền lệnh cho quân lính vừa chiến đấu vừa xây cất. Kết quả tường thành xây dựng hoàn tất, dù trải qua biết bao nhiêu gian nan, cực khổ máu xương. Một cơn phục hưng lớn xảy đến, dân sự vui mừng tôn vinh thờ phượng Chúa đọc luật pháp của Ngài, quyết cùng nhau phục vụ Chúa thành tâm và trung tín.

Phaolô, người viết lời khuyên «hãy vững vàng, chớ rúng động» cũng đã kinh nghiệm thế nào là sự phục vụ trước mọi gian lao thử thách. Ông từng bị bắt bớ, bị ném đá, bị tù đày, nhưng chẳng hề bị rúng động, thối lui hay bỏ phục vụ Chúa, trái lại, ông can đảm vững vàng, không hề rúng động, đến nổi tới ngày cuối của cuộc đời phục vụ, đã tuyên bố: «Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin» (II Ti 4:7). Ông kể về những gian nan của mình như sau: «Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột – tôi lại là kẻ hầu việc hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giuđa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên sông biển, nguy với anh em giả dối, chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về các Hội thánh» (II Cô 11:23-28). Thế mà Phaolô vẫn vững vàng, không hề rúng động phục vụ Chúa cho đến mãn đời. Thật là một tấm gương sáng ngời cho những ai đang phục vụ Chúa.

Ông Stephen Olin là một trong những Mục sư lừng danh của Hội thánh Giám Lý New England Methodiste. Có lần kia ông chán nản thất vọng muốn bỏ chức vụ, tuy nhiên Chúa đã dùng một giấc mộng để dạy ông bài học «hãy vững vàng, chớ rúng động». Trong giấc chiêm bao, ông thấy mình đang đập đá bằng một cái búa. Ông rất mỏi tay vì đập mãi mà không thấy thấm gì tảng đá cả. Rồi ông than thở:

-Thật là vô dụng, tôi không làm việc nầy nữa!

Thình lình có một người khách lạ đến bên ông và nói:

-Có phải Chúa đã giao công việc nầy cho ông không?

Ông trả lời:

-Phải!

-Vậy tại sao ông định bỏ đi? Người ấy hỏi.

-Tại vì tôi thấy vô ích quá! Ông trả lời.

Người khách lạ bình tĩnh nói:

-Bổn phận của ông là đập đá, dù đá có bễ hay không cũng mặc. Hãy nhớ rằng chỉ có công việc là giao nơi tay ông, còn kết quả thì ông khỏi lo. Cứ tiếp tục làm đi!

Sau đó ông vâng lời, cố gắng đập một lần nữa, lập tức tảng đá vỡ tan tành trăm mảnh. Ông Stephen Olin thức giấc, quyết định cứ ở lại chức vụ và sau nầy Chúa đã dùng ông phục hưng Hội thánh của Ngài.

Giống như ông Stephen Olin, Chúa đã giao công việc Ngài cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta phục vụ Ngài kiên trì với tinh thần vững vàng, không hề bị rúng động, để công việc Chúa được kết quả qua đời sống của chúng ta.

V. Mức độ: «dư dật»

Chúng ta phải phục vụ Chúa tới mức độ hay chừng mực nào? Phaolô khuyên: «Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật». Đôi lúc chúng ta lơ là phục vụ Chúa, nhiều lúc chúng ta làm công việc Chúa cầm chừng, có khi chúng ta không muốn làm gì thêm cho công việc Chúa  nữa cả. Lắm khi chúng ta còn lý luận, phục vụ Chúa là công việc chung, đâu phải việc riêng tư của mình, mà mình gắng sức làm nhiều như thế? Tư tưởng đó cản trở chúng ta không thể làm công việc Chúa cách « dư dật » trái lại khiến chúng làm lấy có, không chân thành và nhiệt tâm, dù lời Chúa khắc ghi «Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa» (Côl 3:23-24). Chúng ta phải tâm niệm lúc nào cũng phải phục vụ Chúa trổi hơn, bội phần hơn cho đến khi đạt đến mức độ dư dật.

Trong nguyên ngữ Hylạp, chữ «dư dật»  diễn tả bằng chữ «perisseuo», có nghĩa là tràn trề, thừa thải, càng thêm lên, trổi hơn, bội phần hơn.

Có một bà góa bên nước Tôcáchlan, khi ông Chấp sự Hội thánh đi lãnh tiền dâng vào buổi thờ phượng Chúa nhựt, bà bỏ cả một đồng bạc vào hộp tiền dâng cho Chúa. Ông Chấp sự vốn biết bà nghèo khó, thiếu thốn, nên đưa lại cho bà và nói:

-Vì bà nghèo quá phải cần tiền để sống, tôi xin bà lấy lại đồng bạc nầy và cầu nguyện xin Chúa tỏ ý Ngài cho bà biết.

Sáng hôm sau, bà gởi 2 đồng bạc đến cho vị Chấp sự ấy. Có người thấy vậy mới hỏi:

-Bây giờ ông có nhận không hay trả lại cho người đàn bà góa ấy?

Ông Chấp sự đáp:

-Nếu bây giờ tôi không nhận mà trả lại cho bà ấy, ắt ngày mai bà sẽ gởi đến 4 đồng để dâng cho Chúa.

Một bà góa nghèo mà làm công việc Chúa «dư dật» như thế, còn chúng ta đang phục vụ Chúa như thế nào? Chúng ta keo kiệt, làm việc cầm chừng hay chúng ta phục vụ Chúa cách dư dật?

Một vị vua kia rất được nhân dân yêu kính. Sau khi xây xong một hồ nước thật lớn và đẹp đẽ trong vườn thượng uyển của mình, vua cho lệnh rao báo toàn quốc yêu cầu mọi người có lòng phục vụ vua hãy dự phần bằng cách mang theo nước đổ vào hồ để cùng vua dự lễ khánh thành hồ nước vĩ đại ít nơi nào có.

Nghe lệnh truyền, hàng hàng lớp lớp giàu nghèo khắp nơi trong xứ lũ lượt kéo tới,  trước để được xem vẻ nguy nga rực rỡ đền vua, sau dự lễ khánh thành hồ nước vĩ đại theo lời mời của vua. Người thì xách theo chai nước, kẻ mang theo gáo nước, thậm chí có người chỉ cầm trên tay ly nước hay ca nước cẩn thận đổ vào hồ trước sự chứng kiến của vua và quân thần. Suốt ngày từ sáng đến tối, nước trong hồ chỉ lè tè không được mấy tấc chẳng thấm vào đâu cả so với cái hồ sâu thăm thẳm và rộng lớn mênh mông. Sau khi dự lễ khánh thành hoành tráng với văn nghệ ca hát cung đình uy nghi vang dội, nhà vua truyền cho dân chúng, trước khi ra về, hãy theo sự chỉ dẫn, mỗi người  đem chính vật mà mình xách nước tới, đến kho nhận vàng vua ban tặng theo lượng của vật mình có.Tới lúc đó người ta nghe tiếng cằn nhằn than thở, oán trách vang lên. Họ trách tại sao vua không nói trước để họ mang lu hủ hay gánh thùng tới.

Đó là hình ảnh sống động cho thấy thiếu sự phục vụ dư dật, chẳng qua chỉ làm cho có lệ, cho có với người ta, để khỏi hổ thẹn vì mình không có gì. Hãy nhớ lời Chúa khuyên: «Hỡi anh em yêu dấu của tôi... Hãy làm công việc Chúa cách dư dật».

(Xem tiếp theo Phần 2 - Đuốc Thiêng 102).


Đuốc Thiêng 101

01 Càng nhiều càng tốt - ĐTPÂ
02 Thơ: Kỷ niệm Đại Hội Tin Lành Âu Châu- Đức Huy
03 Thơ: Đại Hội Tin Lành Âu Châu Hòa Lan - Đức Huy
04 Kiếp phù sinh - TC Hừng Đông
05 Phục vụ Chúa - Mục sư Nguyễn Văn Bình
06 Cao đẹp tình Cha - Nguyễn Đình Bùi Thị
07 Tình mẫu tử - Bà Lê Văn Bắc
08 Thơ: Phụng sự Chúa - Đức Huy
09 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
10 Tiểu sử Thánh Ca - Fanyia
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi: Tôi sẽ chẵng thiếu thốn gì - MSNC Lê Văn Thể
14 Cục gạch - Thanh Nguyên
15 Phát triễn và bảo tồn thực vật - Dr Trương Hoàng Lâm
16 Tin Tức - Vinh Bằng