Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)




Xứ Do thái hồi Chúa Giê Xu sanh ra


Tác-giả: Roger CARATINI
Sách: Jesus, de Bethléem à Golgotha, ấn bản 2003, nhà xuất bản L'Archipel, Paris
Trích dịch: Mai Đào
(Xem từ Đuốc Thiêng 86)

Đuốc Thiêng 97, tháng 10 năm 2008




Lưu ý độc giả: Khi viết sách nầy, tác giả Roger CARATINI có dụng ý giúp cho độc giả ôn lại cách mau lẹ những sự cố quan trọng trong lịch sử dân Do thái. Trong sách nầy, những sự cố trong Kinh Thánh pha trộn với các sự cố của lịch sử và dã sử. Độc giả muốn nhận ra sự cố nào có chép trong Kinh Thánh, xin theo các chú thích (a), (b), (c),. có ghi Kinh Thánh, sách ..., đoạn ...).

Tóm tắt các kỳ trước: Đế quốc Rô ma cử một thanh tra tên là Marcellus đến tìm hiểu tình hình xứ Do thái. Thanh tra Marcellus n?y được một thương gia tên là Hiram hướng dẫn, khởi hành từ Damas thủ đô xứ Syrie, đến xứ Galilê, vô triền sông Jourdain, tới thành phố Gerasa, vô xứ Samarie, rồi từ xứ Samarie đến Jerusalem sau đó đến Bết lê hem, nghe kể chuyện về Chúa Jesus sanh ra.


Chương 7: Di tản qua Egypte


Thời gian: tháng 5 đến tháng 12 năm 4 T.C. (năm 750 lịch Rô ma)
Toát yếu chương 7 *Một chứng nhân (không đáng tin mấy) kể với Marcellus rằng mình đã theo chân Gia đình Thánh di tản qua Egypte.
*Mùa xuân năm 4 S.C, ở Jerusalem, Archelaus tự phong làm vua xứ Do thái; mọi sự trôi chảy buổi đầu.
*Vua mới nầy từ chối không phục hồi danh dự cho bọn Judas con Sariphée đã bị vua Herode giết khi vua nầy gần chết.
*Cuối mùa xuân năm 4 S.C.; nổi loạn ở Jerusalem, ba ngàn người chết.
*Marcellus trở về Rome, báo cáo lên hoàng đế Auguste về tình hình chánh trị ở Jerusalem.

Người chứng nhân cứng cổ

Người đứng trước mặt Marcellus có tên là Matthias. Anh nầy là một trong số ba người đi theo Joseph khi di tản qua Egypte. Giờ đây, khi y nghe tin Hérode đã chết, tức là y không còn sợ bị giết, y lật đật trở về xứ Do thái trước mọi người; Marcellus muốn biết tin về Joseph và cô vợ trẻ, liền cho kêu Matthias đến.

Khi Matthias đến, thấy Marcellus ngồi trước bàn làm việc, tay mặt cầm một ngọn bút bằng sậy, chấm bút vào bình mực đen lánh, đang lanh lẹ viết trên những tờ giấy trắng mịn.

Marcellus nói:

Ngồi đây anh Matthias. Chắc là chúng ta sẽ nói chuyện lâu với nhau. Tôi sẽ ghi lại những điều anh kể về cuộc di tản của anh cùng đi với Joseph và Marie qua Egypte. Nhưng trước khi kể, tôi giới thiệu với anh, đây là Hiram, bạn tôi, người gốc xứ Phinixi (Phinicie), theo đạo Do thái cũng như anh. Hiram nầy cũng làm một việc như anh, tôi nhờ anh nầy hướng dẫn khi cần di chuyển trong xứ Palestine.

Matthias nói: Thưa quan, xin nói "trong xứ Giu đê", không phải là trong xứ Palestine. Tên Palestine là do dân Philistins xưa kia, họ dùng tên nầy để kêu vùng đất Đức Chúa Trời đã hứa cho dân Do thái. Đất nầy thuộc về chúng tôi đã từ 1300 năm, chúng tôi yêu xứ nầy như yêu mẹ mình, và dân Philistins nay đâu còn nữa.

Hiram kín đáo ra dấu cho Marcellus, nói nhỏ:

Thôi quan đừng mất thời giờ. Người Do thái tin quyết như thế đấy, và họ có lý, tin rằng đất Canaan hiện nay là của họ, phần khác, dân Philistins cũng biến mất khỏi lịch sử rồi, cho nên họ không chấp nhận người Rôma kêu xứ họ là Palaestina. Marcellus không nói gì, nghĩ rằng lúc nầy chuyện quan hệ là biết tin tức về Joseph, không phải là lúc kiểm tra dữ kiện địa dư xứ Palestine. Marcellus hỏi:

Nào, anh tên là Matthias, là dân Do thái. Anh thuộc về đại tộc nào, Juda, Benjamin, Manassé...?

Ông nội,và bà nội tôi là dân nô lệ gốc Galates, đến thời cha tôi thì được hoàng đế Pompée giải phóng; cha tôi gia nhập Do thái giáo để được cưới mẹ tôi, bả là người nữ Do thái ở Samarie.

Marcellus mỉm cười: "Chuyện giản dị thế thôi, tốt lắm. Anh đi Egpyte cùng với Joseph, phải không?"

Thưa phải. Joseph cần người giúp đỡ để mang hành lý, và chống cự khi gặp kẻ cướp, tính ra cần mướn ba người phụ, nhưng không có tiền mướn. Tôi và 2 người bạn đồng ý phụ giúp ảnh mà không cần lãnh lương, vì chúng tôi tin chắc rằng con của ảnh mới sanh, là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời sai đến.

Vì sao anh tin chắc như thế?

Như tôi đã nói, mẹ tôi là người xứ Samarie. Bả tin rằng thế giới ngày nay đầy dẫy chiến tranh và bất công, nhưng nay mai sẽ được cải thiện vì Đấng Toheb sắp đến, Ngài là Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời, là Đấng Mêsia của Đức Chúa Trời. Ta cũng từng nghe nói về Đấng Toheb, khi ta ghé thành phố Sichem ở Samarie. Vậy hồi đó anh cũng tin rằng em nhỏ Jesus là Đấng Toheb?

-Thưa quan, hồi đó tôi tin, và ngày nay tôi vẫn tin. Cả hai bạn đồng hành của tôi cùng với tôi đi Egypte hầu hạ Joseph,họ cũng tin như tôi.

-Và chắc là vợ anh cũng tin như thế, bởi vì vợ anh từ Samarie đến.

-Dạ đúng, vợ tôi từ Samarie lại, vì cô Marie mới sanh con, cần có người hầu.

-Tốt. Thế là bọn anh tất cả 4 ngườ theo Joseph và Marie đi. Anh có nhớ phỏng chừng là lên đường vào ngày tháng nào?

-A, chúng tôi ra đi lúc ban đêm, nhằm hướng Egypte, sau khi mấy ông bác sĩ đến thờ lạy Jesus ở Bethlehem và trước cuộc thảm sát các trẻ em ở làng đó.

-Kể lại tôi nghe về hành trình trong sa mạc. Các anh ra đi nhắm hướng nào?

-Nhắm hướng tây. Trước hết, chúng tôi tới một cái hang núi. Cô Marie muốn vô nghỉ. Cổ xuống lừa, vô trong hang ngồi, đặt bé Jesus trên đầu gối. Chợt từ phía trong hang có mấy con rồng xông ra, chúng gầm gừ, ai nấy đều sợ, trừ bé Jesus. Bé Jesus từ đầu gối mẹ đứng lên, dầu chỉ mới sanh ra không lâu, đúng trước mặt mấy con rồng. Bọn rồng cũng làm giống như con bò và con lừa nơi máng cỏ, chúng quỳ xuống trước bé Jesus. (lời dịch giả: về chuyện kể trên đây và những chuyện kế tiếp, quý độc giả tin hay không tùy lòng; ước vọng của dịch giả, là đức tin của quý vị vẫn trước sau như một, và xin nhớ rằng đây chỉ là huyền thoại. Huyền thoại về các giáo chủ có nhiều, xin kể cho vui huyền thoại về Đức Phật Thích ca khi sanh ra. Phật Thích ca khi sanh ra tên la Gautama. Mẹ Gautama mang thai tới 3 năm rồi mới sanh. Gautama sanh ra, chui ra khỏi bụng mẹ bằng cửa bên hông, bước xuống đất bẩy bước, có bông hoa sen mọc lên và nở ra ở mỗi chỗ đặt chơn, sau bảy bước thì đứng lại, chỉ một tay xuống đất, chỉ một tay lên trời và nói: Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn, nghĩa là trên trời dưới đất, chỉ có mình ta đáng được tôn kính).

Marcellus quay lại hỏi Hiram: "Anh nghĩ sao?"

Hiram đáp: "Tôi chợt nghĩ rằng Matthias đã đọc chuyện nầy trong Kinh Thánh, anh ta đọc câu Thi thiên: Hỡi các quái vật trong biển, hỡi các vục sâu, từ nơi dưới đất, các ngươi hãy thờ lạy Đức Giê hôva". (1)

Marcellus nói: "Matthias, anh kể tiếp đi".

-Rồi Chúa Jesus đi về phía các con rồng, để chúng khỏi làm hại mọi người.



Đuốc Thiêng 97

1 Tôi phải làm gì để được cứu rỗi - ĐTPÂ
2 Thơ : Chúa yêu con - Emmanuel
3 Phierơ - Mục sư Nguyễn Văn Bình
4 Thơ : Vết chân trên cát - Vũ Quý Hảo
5 Hình ảnh Ðức Chúa Trời - Mục sư Vũ ngọc Văn
6 Ân tứ Thánh Linh - Mai Đào
7 Thơ : Mau về sống cảnh hiển vinh - Trần Nguyên Lam Bửu
8 Đời Chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
9 Cầu Nguyện không nói ra được - Mỹ Khanh Fleckner
10 Xứ Do thái hồi Chúa Giê Xu sanh ra - Mai Đào
11 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
12 Xây nhà tình thương - Nguyễn Đình Bùi Thị
13 Ngày xưa nỗi nhớ - Bà Lê Văn Bắc






-Nhưng Jesus mới sanh ra được mấy ngày, đi sao được?

-Thưa quan, chẳng những đi, mà còn nói nữa. Bé Jesus nói với cha mẹ, lúc ấy đang run sợ: "Cha mẹ đừng tưởng tôi là con nít. Tôi vẫn là người lớn, tất cả những thú vật trong sa mạc đều phải phục tôi". Và đúng thế, từ đó, chúng tôi đi trong sa mạc thấy các con báo, con beo, con cáo đều đến thờ lạy Ngài, chúng nghiêng đầu, vẫy đuôi cách vui mừng, như thể chúng muốn đến chơi với Ngài.

-Mẹ Ngài không nói gì sao?

Các súc vật nhu mì

-Thưa quan, ngày đầu tiên thì mẹ Ngài sợ khi thấy các thú vật đến thờ lạy Ngài, nào là sư tử, nào là báo, là beo, nhưng con bả cười và nói: "Mẹ đừng sợ, chúng nó đến không phải để mẹ sợ, mà đến hầu mẹ đấy". Rồi sau đó, cả những loại thú vật khác, nào bò, nào lừa, nào ngựa, cả đến những con dê hiền lành ở xứ Giuđê cũng theo sau chúng tôi giống như sư tử, báo, beo. Chẳng ai sợ ai, chẳng ai làm hại ai, sư tử dẫn đường cho bò đi.

-Hiram ơi, anh vẫn không tin sao?

-Thưa quan, tôi vẫn chẳng tin. Chuyện Matthias kể, là anh ta thấy trong sách Êsai, tiên tri nầy nói: "Chó sói sẽ ăn cỏ với chiên con, sư tử sẽ ăn rơm với bò" (2).

Ăn dừa, uống nước

Mặc cho Hiram bình luận kiểu đó, Matthias chẳng rúng động, y tiếp tục kể chuyện cuộc di tản qua Egypte, phép lạ nầy tiếp phép lạ kia:

-Ra đi được hai ngày rồi, chúng tôi đến một ốc đảo (3), nơi đây có vài cây dừa. Trời nóng quá, Marie muốn đến ngồi tránh nắng dưới một bóng dừa. Joseph lẹ làng đỡ xuống khỏi lừa, đưa đến ngồi dưới một gốc dừa đầy trái trên cây. Marie ngước mắt lên, kêu lớn: "Ô những trái dừa đẹp quá, ước gì được một trái". Joseph trách nhẹ: "Em chỉ nghĩ đến ăn trái cây, nhưng việc trước mắt phải lo là kiếm cho ra nước, mấy vò nước của mình cạn hết rồi". Bé Jesus lúc ấy vẫn ngồi trên đầu gối mẹ, nói: "Dừa ơi, cúi xuống để mẹ tôi hái trái". Cây dừa liền cúi xuống sát mặt đất, Marie chẳng cần đứng lên, hái hết mọi trái, chia cho chúng tôi. -Hay quá, rồi sao nữa?

-Rồi bé Jesus bảo cây dừa đứng thẳng lên, ra lịnh cho nó: "Hãy làm văng ra nước sạch và mát từ gốc ngươi". Cây dừa vâng lời, chúng tôi vui mừng tạ ơn Đức Chúa Trời vì được uống nước sạch và mát. Sáng hôm sau, khi từ giã ốc đảo để lên đường, bé Jesus nói với cây dừa: "Dừa ơi, ta ban phước cho ngươi; đặc biệt là cho một cành lá của ngươi được đưa lên thiên đàng của cha ta, được trồng ở đấy; và cho từ nay hễ ai thắng trong một cuộc tranh đua, sẽ được khen rằng Anh đã được lá dừa". Trong khi bé Jesus nói thế, một thiên sứ hiện ra trên đầu cây dừa, bẻ một cành lá, ôm bay lên trời.

Marcellus ghi chép xong lời Matthias, kéo Hiram ra ngoài vườn, nói nhỏ:

-Nầy, phải chăng Matthias muốn bịp chúng ta? Khi anh kêu nó tới đây, anh hứa trả cho nó những gì?

-Tôi chẳng hứa gì hết. Tôi chỉ nói rằng quan cần lập báo cáo lên hoàng đế, về vụ Joseph, Marie và gia đình di tản qua Egypte. -Rõ ràng là Matthias kể những chuyện đâu đâu, nhưng ta chẳng quan tâm. Điều quan trọng, là muốn biết hiện nay Joseph ở chỗ nào bên Egypte và Joseph có ý định trở về Palestine không.

-Tại sao quan muốn biết?

-Vì ta thương hại Joseph, ta tội nghiệp vợ con nó. Ta không muốn có chuyện gì xảy ra cho họ.

-Họ đâu có còn gì phải lo, vua Hérode đã chết rồi.

-Hérode chết rồi, nhưng còn phải lo ngại về Archélaus, đứa con đầu của Hérode lên nối ngôi. Nó cũng tệ như cha nó, lại còn tàn bạo hơn nữa. Nó nhảy vô cái một nắm chính quyền, tự phong là vua dân Do thái, không chờ lịnh của hoàng đế Auguste. Hoàng đế đã có thơ cho ta, là phải coi chừng nó làm bậy. Ta đoán trước công việc nó như sau: để củng cố quyền hành, dĩ nhiên là nó sẽ dựa trên các thầy tế lễ, dựa trên Đền thờ và sẽ trao gia đình Joseph cho họ muốn hành hạ sao cũng được.

-Chuyện nầy ăn nhằm gì đến quan?

-Kể ra thì chẳng ăn nhằm gì đến ta, nhưng ta chẳng muốn ai gây khó cho những người già yếu, những phụ nữ, những trẻ em. Phần khác, nếu Archélaus thu phục được các thầy tế lễ, nó sẽ mặc sức làm mọi sự theo ý nó, là điều trái với ý của hoàng đế, vì hoàng đế muốn rằng mọi vùng trong đế quốc Rôma đều phải tuân theo ý mình. Thêm nữa, Joseph là người được dân chúng kính nể, nếu kéo được Joseph để thành lập một đảng phái của dân chúng, nghịch lại đảng của các nhà quyền quý và các thầy tế lễ, là chuyện rất hay cho hoàng đế Auguste, để hoàng đế dựa vào. Anh đừng quên hoàng đế là con nuôi của César, mà César vẫn luôn dùng dân chúng để chống lại các nghị viện và phe tài phiệt.

-Vậy quan muốn tôi làm gì?

-Phải làm sao cho bọn cá mập ở Jerusalem không gây hại gì dến Joseph và vợ con. Nhưng ta không muốn ra mặt. Vậy ta trao trách nhiệm cho anh, hãy tìm ra Joseph và gia đình hiện nay ở đâu.

-Quan cứ yên trí để tôi. Để tôi nói chuyện với Matthias, khi nào xong thì tôi cho quan hay.

Tìm ra Joseph

Hiram vô thẩm vấn Matthias, Hiram đi thẳng vào vấn đề:

-Nầy Matthias, nói cho tôi biết Joseph ở đâu, bồ muốn lấy bao nhiêu tiền?

-Ơ, ơ...

-Không ơ không a gì hết, chúng tôi muốn biết ngay, mà ở Jerusalem chỉ có bồ biết thôi. Hérode chết rồi, bồ cứ nói đi, không còn lo gì nữa. Cũng chẳng cần lo Joseph sẽ trách bồ, vì chúng tôi muốn biết là để lo chuyện tốt lành cho Joseph. Nói đi. Bồ muốn bao nhiêu?

-Các anh muốn làm gì cho Joseph? Nó đang lo ngập đầu, nó sợ hết mọi người, nhứt là bọn Đền thờ.

-Bọn Đền thờ, là chuyện chính chúng tôi đang lo đối phó. Marcellus muốn lập một kiểu phe đảng, gồm những người thành thật và ngay thẳng trong dân chúng, để quân bình với quyền lực của phe Arôn, vì trong xứ Giuđê, phe nầy nắm hết mọi quyền hành. -Joseph đâu biết gì về những thứ đó!

-Đúng, đúng, chúng tôi biết thế, nhưng Joseph rất được quý trọng nơi dân vùng Galilê, mà Marcellus muốn lập đảng ở Galilê, rất cần những người như Joseph.

Hiram mất cả một ngày mới được Matthias cho biết mọi chi tiết về Joseph: Joseph hiện đang sống ở Sohennen, một thành phố của xứ Egypte. Nay Hérode đã chết rồi và Marcellus hứa sẽ bảo vệ khỏi tay vua Archélaus và tập đoàn Đền thờ, thì Joseph sẵn sàng trở về. Tuy nhiên, y nghĩ rằng Joseph sẽ không trở về Jerusalem, vì sợ vua mới ra tay bất thình lình, nhưng Joseph sẽ đi thẳng về vùng núi Galilê.

Hiram bèn trao cho Matthias một số tiền lớn, Matthias đi Egypte vận động, rồi giữa mùa hè năm 750 lịch Rôma, Matthias đem được Joseph và vợ con trở về vùng núi Galilê. Tại đây, Marcellus tới thẩm vấn để có thêm tài liệu bổ túc, nhưng đại cương cũng giống như đã thâu thập được với Matthias.