Đặc san báo Đuốc Thiêng - Chủ bút Mục sư Nguyễn Văn Bình

Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ

Đuốc Thiêng 103, tháng 11 năm 2010


Nguyên tác: sách "Les croisades vues par les arabes" - Thập tự dưới mắt người Ả rập.
Nhà Xuất bản: JC Lattès, Paris, 1983.
Tác giả : Amin Maalouf.
Trích dịch: Lạc Hộ.  
            
(coi Đuốc Thiêng từ số 3)

Chương 51/7: Vua thánh Noureddin


(Về đề mục của chương này "Vua thánh...". Ðây là dịch từ câu Pháp văn "Le saint roi Noureddin". Có độc giả sẽ bất bình với danh từ "thánh". Xin nhắc lại là tài liệu này do ngòi bút của một người Ả-rập Hồi-giáo, phản ảnh tâm trạng của đồng bào mình bị nạn ngoại xâm).

Zinki chết rồi, các chủ tướng từng cộng tác với y nay rút quân về, hoặc đóng lại nơi một pháo đài đây đó để chờ thời. Và thời cơ mới bắt đầu với con trai thứ nhì của Zinki, tên là Noureddin.

Trong trại quân của Zinki, mọi người bàng hoàng, bối rối, chỉ có một mình Noureddin bình tĩnh. Anh này 29 tuổi, thân hình cao lớn, ánh mắt hiền từ, đến bên xác Zinki hãy còn ấm, rút cái nhẫn trên tay Zinki ra, đeo vào tay mình, có nghĩa là từ nay y nắm hết quyền hành.

Noureddin, anh là ai?

Sử gia Ibn al-Athir viết "Tôi đã đọc về đời sống của các vua chúa thời trước, tôi không thấy ai đạo đức và công bình như Noureddin, trừ vài vị calife buổi đầu" (calife: lãnh đạo tối cao hồi giáo). Noureddin cũng can đảm như cha mình, cũng khéo cầm quân, nhưng hơn cha mình về điểm động viên và tuyên truyền cho cuộc thánh chiến đánh những kẻ thù của hồi giáo. Y hiểu rằng trong chiến tranh, tuyên truyền là điều quan trọng hàng đầu, nên y sẽ huy động cả trăm học giả giúp mình, lôi kéo các lãnh tụ trong thế giới ả rập về cộng tác dưới cờ mình. Các vị này sẽ viết sách, viết thơ giúp y phổ biến 3 nguyên tắc rất giản dị của cuộc thánh chiến : thứ nhứt, chỉ có một tôn giáo duy nhứt, là hồi giáo phái sunnite, có nghĩa là phải triệt bỏ các phái khác, kể các phái khác là sai lầm. Thứ nhì, chỉ có một quốc gia duy nhứt, để bao vây chặt chẽ quân Franj khắp bốn phía. Thứ ba, là chỉ có một mục đích duy nhứt, là chiếm lại hết mọi vùng ở dưới tay quân Franj, nhứt là Jerusalem.

Noureddin triệt để tuân thủ luật lệ hồi giáo, tỉ như không uống rượu. Chính mình y không uống rượu đã đành, nhưng y còn cấm tất cả quân sĩ uống rượu. Y dẹp hết mọi y phục sang trọng, chỉ mang quần áo vải thường, gây bối rối cho các tướng lãnh dưới quyền mình, vì các tướng lãnh này ưa mặc quần áo sang trọng, đắt tiền, và ưa uống rượu.

Noureddin cũng gây bối rối cho các émir (lãnh tụ hồi giáo về hành chánh), vì y cứ từ chối danh vị Noureddin (có nghĩa là "ánh sáng đạo soi đường"), chỉ nhận dùng tên mình là Mahmoud. Trước mỗi khi ra trận, y thường cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin ban chiến thắng cho hồi giáo, không phải cho Mahmoud. Con chó Mahmoud này đâu có xứng đáng được nhận gì đâu!" Những hành động khiêm nhường kiểu này làm đẹp lòng dân chúng, những người hèn hạ, những người ngoan đạo, nhưng làm mất lòng các émir, các người quyền thế, họ cho rằng Noureddin giả hình. Dầu sao đi nữa, ta thấy kết quả là Noureddin đã động viên thế giới hồi giáo gom sức đánh bại quân Franj, mở đường để về sau, người kế nghiệp mình là Saladin hoàn tất công trình này.

Lên nối ngôi cha, Noureddin trước hết lo củng cố vị trí của mình, đưa quân trở về Alep. Y để cho anh lớn của mình tên là Saifedin cứ cai trị thành Mossoul và tất cả vùng xung quanh, như thế y được yên trí về phía đông,và y được chuyên tâm lo việc chiến trận ở vùng Syrie. Có 2 mối lo gần, một là quân Franj ở phía tây, nơi thành Antioche, do vua Raymond chỉ huy; hai là thành Edesse ở phiá bắc. Quý độc giả còn nhớ lại (coi Ðuốc Thiêng 100) Zinki chiếm được Edesse cuối năm 1144, được toàn thể thế giới Ả rập hoan hô là chiến thắng khởi đầu cho cuộc chống quân Franj. Nay Noureddin mới trở về Alep được một tháng, thì nghe tin là Jocelin đã chiếm lại Edesse; nếu để yên cho Jocelin, thì còn gì về thanh thế của Zinki, và của chính mình nữa ! Noureddin cấp tốc kéo quân đi, đi ngày đi đêm, ngựa chiến nào mỏi mệt thì bỏ lại bên lề đường, và Jocelin sững sờ khi thấy Noureddin đến trước thành, vì chưa kịp tổ chức lại cuộc bảo vệ thành. Ngay chập tối, Jocelin chạy trốn, những quân sĩ đi phía sau bị quân của Noureddin đuổi kịp và giết rất nhiều.

Thế là yên tâm mối lo về phía bắc, và cũng yên luôn mối lo về phía tây, vì vua Raymond ở thành Antioche ngán Noureddin hoạt động quá lẹ làng, Raymond không kéo quân nữa đi ra cướp những vùng kế cận. Ounar, chủ tỉnh Homs, gả con gái cho Noureddin.

Tuy nhiên, với Noureddin, hai mối lo trên không thấm thiá gì với tin dữ vừa đưa tới. Theo sử gia Ibn al-Qalanissi: "Tin tức dồn dập từ thủ đô Constan-tinople, từ các vùng quân Franj chiếm đóng,  nói rằng nhiều đoàn quân Franj từ xứ họ (tức là từ Âu châu) đang kéo đến chinh phục đất hồi giáo. Các vua này kéo hết quân đi, bỏ trống xứ mình không cần để lại quân phòng vệ, quân số họ có tới cả triệu gồm bộ binh và kỵ binh, với nhiều quân cụ và khí giới mạnh".

Ðúng thế, đầu muà thu năm 1147, họ tiến vào vùng Tiểu Á (Asie Mineure), trên lưng áo mỗi người có thêu hình thập tự, giống như  trong cuộc thánh chiến 50 năm trước. Thế giới hồi giáo kinh hoàng, tự hỏi thành nào sẽ bị họ đánh trước. Lý luận hợp lý nhứt, là họ sẽ đánh Edesse, để trả thù cho vụ bại trận mới đây của Jocelin. Một lý luận khác, là họ sẽ đánh Alep, để "chặt đầu rắn", dẹp được Noureddin, thì Edesse tự nhiên sẽ phải phục tùng. Tuy nhiên, các vua Franj chẳng đánh Alep,chẳng đánh Edesse. Qualanissi viết "Sau nhiều ngày cãi lộn nhau, họ thoả thuận đi đánh Damas, và họ chắc chắn là sẽ thành công, nên họ đã tính trước là của cướp được sau khi chiến thắng Damas sẽ chia nhau cách nào".

Chiến trận Damas

Ðánh Damas, uả! Trong số những chủ tỉnh hồi giáo, người duy nhứt có ký hoà ước với Jerusalem, là Moinuddin Ounar, chủ tỉnh Damas. Thế mà nay sẽ bị quân Franj đến đánh! Ha ha, cuộc kháng chiến hồi giáo đang kiếm sự giúp đỡ, thế mà không có cách giúp đỡ nào hữu hiệu hơn là hành động này từ phía quân Franj!

Ngày 24 tháng 7 năm 1148, đoàn quân Franj tới trước thành Damas, theo sau là những đoàn lạc đà đông đảo chở hành lý, họ cắm trại lan tràn trong đồng bằng Ghoutta, tới sát ngay các cổng thành. Dân thành Damas lo họ sẽ vượt được cổng thành, nên ngay tối hôm đó họ lo thiết lập các công sự chiến đấu trong thành phố. Sử gia Ibn al-Qalanissi chép: "Hôm sau, ngày 25 tháng 7, một ngày chúa nhựt, dân thành Damas xông ra chiến đấu  cho đến tối, cả 2 bên cùng mệt, chẳng ai thắng ai. Qua sáng hôm sau, dân thành Damas vững chí, vì thấy từ phía bắc có viện quân kéo đến, người turc, kurde, arabe, họ đáp lại lời kêu cứu của Ounar, chủ thành. Ounar còn khôn ngoan, gởi thơ cho quân Franj, nói đại ý: nếu các anh cứ đánh, tôi sẽ mở cửa thành, dâng cho Noureddin. Lúc đó Noureddin sẽ lập căn cứ ở Damas để về sau sẽ chiếm hết mọi thành khác của các anh".

Ngày hôm sau, quân Franj rút ra xa, rồi rút luôn về Jerusalem. Ounar được hoan hô, nhưng 1 năm sau đó, chết vì bịnh kiết lỵ.

Noureddin là người chiến thắng thật sự ở trận Damas. Tháng 6 năm 1149, y đánh bại quân của Raymond, chủ thành Antioche. Raymond bị giết bởi tay Chirkouh, chú của Saladin. Chirkouh chặt đầu Raymond, và theo lịnh của Noureddin, đặt đầu Raymond vào trong hộp bằng bạc, gởi chiến-thắng-vật này về dâng cho calife ở Bagdad (calife: lãnh đạo tối cao hồi giáo).

Raymond chết, là hết lo về quân Franj ở mặt bắc xứ Syrie, Noureddin bèn tính chuyện chiếm Damas. Y thành công sau 6 năm, sau nhiều lần đóng quân đóng trại trước thành nhưng không tấn công để dương oai mà không đánh, vì y chủ trương liên lạc ngầm để chia rẽ những phe võ trang trong thành với dân chúng. Kết quả là ngày 25 tháng 4 năm 1154, dân thành vui vẻ mở cổng đón Noureddin vô. (Lời dịch giả: chi tiết những chuyện liên lạc ngầm này rất lý thú nhưng xin miễn kể ra đây vì quá dài và không cần thiết, độc giả có thể coi trong cuốn sách của Maalouf ghi phía trên). 

Lần đầu tiên, kể từ khi quân Franj từ Âu châu tới xâm chiếm xứ Syrie, toàn thể xứ Syrie hồi giáo được thống nhất lại, từ Alep tới Damas, dưới tay một ông hoàng mới 37 tuổi mà quyết chí chiến đấu sẽ  đánh bại hoàn toàn quân xâm lăng.

Tiếp theo, quần thần của Noureddin đề nghị đánh thành Antioche, nhưng y không tán thành, viện lẽ Antioche là đất cũ của vua "Roum" (tức là Constan-tinople), đừng dính vào. Và y có lý. 3 năm sau, vua của Constantinople là Manuel Commène đem quân đến để chiếm lại Antioche, lúc này do Renaud, một tướng Franj, làm chủ. Renaud xin hàng, vừa lúc Noureddin cử phái đoàn đến xin giao hảo với vua Manuel, được Manuel thân thiện tiếp đón.

Noureddin muốn đánh Jerusalem, nhưng ngán lúc này có Manuel ở kề biên giới, nên tình trạng trong vùng cứ ở yên mãi cho đến năm 1163, khi Noureddin đi đánh Egypte (Ai cập), là chuyện chúng ta sẽ thấy sau này.


Đuốc Thiêng 103

01 Tâm trí con người; - ĐTPÂ
02 Thơ: Xin Chúa sai con đi - Đức Huy
03 Người được Chúa sai đi - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Người đàn bà ở Thêcôa - Bà Mục sư Nguyễn Văn Bình
05 Tiểu sử Thánh ca: "Giê-xu Đấng hằng yêu thương tôi" - Fanyia
06 Thơ: Yêu Chúa - Trần Nguyên Lam Bửu
07 Tìm hiểu cuộc cải chánh của Martin Luther - Diệp Dung
08 Điều rất cần cho chúng ta - Mục sư Trần Hữu Thành
09 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
10 Một vài loài cây có độc tính - Dr Trương Hoàng Lâm
11 Vật đổi sao dời - Bà Lê Văn Bắc
12 Xứ Do Thái trước khi Chúa Jêsus khởi sự cộng tác - Mai Đào
13 Tin Tức - Vinh Bằng