Đặc san báo Đuốc Thiêng - Tiếng nói của Hội thánh Tin lành Việt Nam Paris (Pháp)

Thương lắm quê hương tôi - Bà Lê Văn Bắc

Đuốc Thiêng 99, tháng 02 năm 2009



Ai về qua bắc Mỹ Tho.
Xin cho nhắn gửi vần thơ tâm tình
Đất nước ơi! Mỹ Tho ơi!
Nhất quê hương, khóc xứ người
Quê hương đó thời nuôi em lớn.
Xứ lạ quê người còn lại gì đây?

Có cái gì như là cảm giác nghẹn ngào và buồn thương lắm. Ông Khang yêu bài thơ nầy của một tác giả, lâu quá ông đã quên tên. Vì những tình cảm quê hương rất chân thành của thi sĩ. Bài thơ mang trong mình dòng cảm xúc hoài niệm quê cha đất tổ, nó giúp ông hiểu và trân trọng và những người yêu nhớ quê hương.

Nước Hoa Kỳ giàu sang lại có nhiều cảnh trí đẹp; nhưng đất nước nầy không phải là quê hương của ông, không phải gốc rễ mặc dầu ông sống khá lâu. Quê hương ông đẹp, hùng vĩ, hữu tình, dặm nghìn nước thẳm non xa mà người bốn phương không tiếc lời ca ngợi, thế nên một thi sĩ đã viết:

Đất nước Mỹ hay nơi nào cũng thế.
Đâu núi sông mình mà gọi quê hương
Ta vẫn gọi Việt Nam là tổ quốc.
Núm ruột lìa sao chẳng tím tâm can.

Nơi ông Khang ở là một thành phố lớn nằm về phía Tây tiểu bang Colorado. Ở đây, phong cảnh bốn mùa, từng đàn chim én lượn bay, tung tăng dưới đất, ríu rít trên bầu trời xanh. Ông thích nhất là sự giao mùa giữa đông và xuân khi thoáng thấy những chồi lộc non báo hiệu mùa xuân sắp tràn về. Trước mắt ông, lưu thông bị tắc nghẽn vì dòng người đang tràn qua đường, thì ra thành phố Denver hôm nay đang có hội chợ Xuân. Để trốn đi những suy tư đau khổ đang đè nặng trong tâm hồn, ông Khang quay vòng xe rồi đến bên bờ hồ Sloan Lake.

Đứng bên hồ vắng lặng, ông như chìm đắm trong cõi u minh của quá khứ. Một chuỗi dài liên tưởng về thời gian của 20 năm về trước. Khang, một thanh niên trẻ theo tiếng gọi của non sông lên đường bảo vệ tổ quốc. Cuộc đời ông trôi nổi theo vận mệnh đất nước, thăng trầm như những cơn thuỷ triều lên xuống. Tuy nhiên, không phải ai ở vào hoàn cảnh của ông cũng có thể tự mình vượt qua được những hụt hẳng trong lòng, nếu không bởi Chúa yêu thương, dìu dắt, hướng dẫn, dạy dỗ. Bây giờ tuổi đời mỗi lúc một qua, mộng xưa mỗi lúc thêm nhoà, nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, ông lại nhớ nhiều về những kỷ niệm với thuở đời thơ mộng đó.

Đêm dần tối, gió lạnh từng cơn heo hút. Đêm trừ tịch không trăng sao, những ngọn đèn sáng ngoài đường đủ rọi bước chân ông ra xe trở về nhà, trong khi cơn gió càng lúc càng mạnh. Bước vào nhà, văng vẳng bài hát xuân từ phòng người em gái, lòng ông Khang lại buồn buồn nhớ về quê nhà  nhất vào mùa xuân. Gió đêm nay xao xác thổi tâm hồn ông bay về chốn xưa, ông Khang như chìm sâu vào dĩ vãng, một dĩ vãng đã qua đi ngót 20 năm rồi, nhưng ông tưởng chừng quanh quẩn đâu đây. Quê hương ông đẹp biết ngần nào. Thế sao những nơi chốn đã đi qua, lại không phải những dấu ấn ghi lại bao kỷ niệm êm đềm, mà chỉ để lại trong ông những tan tác đắng cay...

Ông Khang còn nhớ, lúc đó ông mới 18 tuổi, đã trở thành một vận động viên bơi lội xuất sắc. Ông đã đoạt nhiều huy chương giải nhất trong các cuộc thi. Ngoài việc học ra, còn lại bao nhiêu thời gian ông dành cho sự luyện tập ở các hồ bơi. Là một gia đình rất yêu mến Chúa. Ba mẹ ông thường xuyên khuyên ông nên lo học hành và siêng năng thờ phượng Chúa. Ông Khang dạ dạ vâng vâng luôn miệng vậy mà không có buổi thờ phượng Chúa Nhật nào ông có mặt. Ba mẹ ông buồn lắm, chỉ biết cầu nguyện Chúa cứu con ông bà mà thôi.

Một đêm nọ, sau khia ăn qua loa bửa cơm chiều, ông Khang tản bộ ra cầu tàu hóng mát rồi đến hồ bơi luyện tập như mọi ngày. Đêm tối đen. Gió thổi làm lay động những cành cây nhè nhẹ. Ông hít thở, làm vài động tác tay chân trước khi nhảy xuống hồ. Bỗng một vệt sáng từ trên trời rọi ngay xuống hồ. Ngạc nhiên, ông Khang nhìn theo vệt sáng lạ lùng đó. Ông suýt kêu lên, hồ không có nước. Thì ra, chiều nay người coi sóc hồ nước đã tháo hết nước ra để thay nước mới, bên ngoài có dán thông báo, ông Khang vô ý không xem nên vẫn tưởng hồ có đầy nước. Quá sợ hãi, ông Khang vội ngước lên bầu trời đêm trong xanh, không một gợn mây, lòng bồi hồi rung rẩy như vừa thoát chết. O6ng liền quỳ xuống ngay thành hồ nước mà nước mắt tuôn dầm dề trên má. Ngay lúc đó, hình ảnh nhân từ, đầy lòng thương xót của Chúa hiện lên trước mắt ông làm ông hối hận, ăn năn vô cùng. Ôi! Tình thương yêu của Ngài quá cao cả. Ông quên Chúa chớ Chúa không quên ông. Bã vinh hoa, phú quí của trần gian đã cuốn hút ông miệt mài mà quên ơn cứu chuộc của Chúa. Không dằn được cơn xúc động đang dâng trào, ông Khang ôm mặt khóc: “Chúa ôi, Ngài đã cứu con... Con đã quên Ngài mà Ngài không quên con. Xin Chúa tha tội cho con...”.

Đêm vẫn trải dài trên trần gian những bước êm nhẹ. Gió từ ngoài sông thổi vào gây lạnh. Không gian âm u, tĩnh mịch. Khung cảnh đêm khuya thật êm vắng. Ông Khang không hiểu bao nhiêu thời gian đã trôi đi và cần bao nhiêu giây phút để ông lấy lại bình tĩnh. Thật là một khoảng thời gian dài vô tận.

Trở về nhà giữa lúc gia đình ba mẹ ông đang hiệp nguyện. Và đây là lần đầu tiên ông bước vào cùng gia đình cầu nguyện, nhất là ba của ông, người cầu nguyện dốc đổ tạ ơn Chúa  với nước mắt tuôn tràn. Ông Khang cũng khóc, có ai hiểu được những giọt nước mắt ông trong lúc nầy... những giọt nước mắt ăn năn, hứa nguyện...

Kể từ đêm đó, ông Khang không còn đi bơi nữa, ông đã thật sự giã từ các cuộc thi. Các bạn ông lấy làm tiếc hỏi, ông không trả lời chỉ lắc đầu. Năm đó ông đậu bằng Tú tài II và đi vào trường Võ Bị Đà Lạt và đính hôn với Thu Nga, người bạn gái cùng lớp với ông.

Chưa mãn khoá thì đất nước biến chuyển, ông bị đi cải tạo... bốn năm trở về thì người vợ của ông đã sang ngang. Nhiều lúc ông tự hỏi: “Con người có thể bội bạc nhanh chóng đến thế như vậy sao? Bỗng mây trời vần vũ, không gian đen sậm lại, không kềm lòng được, ông chạy vào phòng để giấu những giọt nước mắt đang trào ra. Ông cũng không hiểu vì sao ông khóc, cũng chẳng phải căm hận người vợ bội bạc trong khi chồng bị tù đài nơi rừng sâu oan nghiệt... Đã nhiều đêm ông Khang thức ngồi trong thư phòng nhẩm tính những mất mát của gia đình ông. Hai anh đã mất tích trên đường vượt biên, giờ thì chỉ còn ông và đứa em gái út. Nhắc đến đứa em gái bỗng dưng ký ức ông Khang trở về rõ rệt. Hồi ấy, đứa em gái nầy thường lén lấy tiền của má ông cho ông. Chừng thấy mất, mẹ ông tra hỏi em ông  một mực không khai, nên bị một trận đòn đau rất tội nghiệp.

Đang miên man sống  với những kỷ niệm thời quá khứ, bỗng một tiếng động nơi cánh cửa, ông Khang quay lại thấy mẹ ông bước vào bèn vội vàng đứng lên mời mẹ ngồi trên chiếc sofa nhỏ. Chờ mẹ yên vị trên sofa, ông Khang thưa hỏi mẹ:

-Yến Linh có đến thăm mẹ không? thưa mẹ.

Mẹ ông trầm ngâm:

-Có... Nó vẫn thường đến đây thăm mẹ.

Cô ấy thế nào hở mẹ?

-Nó vẫn như xưa... vẫn thường nhắc đến con...

-Như xưa... Hai tiếng “như xưa” của mẹ ông vừa thốt ra làm tim ông đau nhói. Yến Linh người con gái yêu ông với tất cả tâm hồn thơ ngây, trong sáng. Mẹ ông, bà cụ rất quí mến nàng, ước mong ông sớm thành hôn với Yến Linh để có cháu ẳm bồng. Ông và Yến Linh thân quen nhau hồi còn Tiểu học, sau đó cùng sinh hoạt trong Ban Thanh Niên của Hội Thánh, nhưng khi ông đã cách xa nhà Chúa thì con tim ông cũng chuyển hướng yêu Thu Nga, một người bạn trong đội Văn Nghệ của trường và đính hôn với Thu Nga. Yến Linh buồn lắm, nàng và người anh trai vượt biên trong khi ông Khang còn đang cải tạo. Vận nước đổi thay, lòng người lại thay đổi. Thu Nga người vợ hứa của ông đã đi lấy chồng, quên lời hứa xưa. Ba năm sau, ông Khang sang Mỹ theo diện HO, rồi bảo lảnh cha mẹ và em gái cùng sang Mỹ sống với ông. Gia đình ông đã sum họp, vui vẻ trên xứ người. Thắm thoát thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa, vậy mà đã 18 năm rồi.

Ông Khang nhớ lại ba năm trước đây, gia đình ông cũng về thăm quê hương vào dịp Tết. Nhiều năm xa xứ, xóm làng, thành phố đổi khác nhiều quá. Nhà cửa đông đúc hơn và được sửa sang, xây cất nhìn đẹp hơn. Đường về nhà cũ đã khác xưa, xa xa dòng sông Bảo Định đỏ ngòm lững lờ trôi. Chiếc cầu quây vắt ngang in bóng dấu chân ông mỗi ngày hai buổi đến trường. Giờ nầy trên cầu đông đúc lắm. Ngày xưa mỗi sáng đi học, qua cầu ông rất sợ trúng phải vào giờ chào cờ, bị đứng lại trên cầu mắc cở kinh khủng. Đi qua nhiều đoạn đường thân quen dẫn đến nhà thờ Tin Lành ở đường Nguyễn Trãi, nơi gia đình ông nhóm lại thờ phượng Chúa vẫn trang nghiêm, buồn buồn ẩn giấu điều gì thật nao lòng.Ông lại đến đường Lý Thường Kiệt, nhà ba má ông sống khiêm tốn ẩn mình nằm cạnh con rạch...

Màn đêm buông xuống, cũng có nghĩa là thiên nhiên đồng loã với hàng trăm thứ hỗn tạp... Ông Khang không sao quên được những đêm học bài, nhưng lòng vẫn đợi tiếng "lốc cốc" quen thuộc của xe mì gõ. Chỉ cần kêu một tiếng, tô mì thơm phức nóng hổi được mang ngay tận nơi. Đời người chỉ có một phần là tuổi thơ hồn nhiên như hoa cỏ thôi, hết chín phần chỉ là nỗi xót xa, nuối tiếc. Thấp thoáng trong tâm trí ông ngày xửa ngày xưa, xa lắm... Bây giờ tuổi đời mỗi lúc một qua, cuộc đời mỗi lúc thêm nhoà. Khi còn là một học sinh, ông là một học sinh tốt, học giỏi. Sự nhạy cảm của người con trai mới lớn luôn biết nhìn mọi người để nhìn lại chính mình, nên được lòng thương mọi người.

Thành phố Mỹ Tho xinh đẹp nhờ những con đường rợp hoa phượng đỏ rất yên tịnh ấy. Tôi yêu quê hương tôi lắm, dẫu nơi đây xứ người lắm cảnh đẹp, nhưng thiết nghĩ không đâu đẹp bằng quê hương tôi. Tôi vẫn tự hào với bạn bè bản xứ. “Quê hương Mỹ Tho tôi đấy, có sông Cữu Long cuồn cuộc sóng, có sông Bảo Định một thời gắn bó với tôi, có hoa điệp rợp bóng mát những con đường dẫn đến trường Nguyễn Đình Chiểu, Ngọc Hân... thân thương với sách vở, bạn bè, những chuyến đi thăm uỷ lạo các chiến sĩ ngoài chiến trường vào dịp Tết, những mối quan hệ càng rộng bởi những kỳ thi bơi lội... trong mãng trời đỏ thắm. Không, những mãng trời đó không bao giờ mất. Và ký ức tuổi thơ của ông không thể mất!”

Ông yêu vô cùng nơi mình lớn lên, những kỷ niệm thuở thiếu thời đã ăn sâu vào tiềm thức, gắn bó như máu thịt. Bây giờ tuổi thơ ấy đã lìa xa vào dĩ vãng, dù có luyến tiếc chỉ là hoài niệm. Ba mẹ ông khá giả, nên cuộc sống đầy đủ hơn những gia đình đông anh em. Gia đình ông rất đầm ấm, trong xóm phần đông là bà con nên mọi người biết sống vì nhau chan hoà thân ái. Ba của ông thường bảo: “Đó là nếp sống của những gia đình con cái Chúa. Thế hệ người lớn tuổi là làm gương cho bọn trẻ. Điều đáng quý ấy không phải gia đình nào cũng có. Tình thương và nghĩa cử ở đời lúc nào cũng phải có trong đời sống của người Cơ Đốc.”

Ông nhớ nhiều về Yến Linh, hai đứa ưa chơi trò cô dâu chú rễ. Ông làm hoàng tử, còn Yến Linh thích làm thái hậu. Vậy mà rốt cuộc thái hậu lại lấy hoàng tử... Chưa được mấy giờ thì Yến Linh lại đòi làm vua... đòi đủ thứ. Mới đó, chúng tôi lớn lên từ hồi nào không biết. Yến Linh ra trường dạy học, ông vào trường Võ Bị Đà Lạt... Rồi chẳng ai ngờ, chẳng hẹn lại gặp nhau trên đất khách. Một hôm, ông gặp Yến Linh dắt con đi vào nhà thờ. Tan lễ, thấy Yến Linh đứng một mình nơi gốc cây anh đào ngang hông nhà thờ, ông bước đến hái một chùm bông, nhìn nàng cười nói:

-Tặng hoàng hậu nè.

-Không. Thái hậu chứ!

-Chúng tôi cùng cười ứa nước mắt...

Yến Linh nói:

-Em nhớ vô cùng và thèm lắm những ngày xuân trên quê hương... Em nhớ lắm!

Ông Khang cũng trả lời:

-Anh cũng nhớ lắm!

Đã nhiều năm qua, trong kho tàng kỷ niệm của một đời người, những giây phút giã từ là những kỷ niệm sầu một đời người, tuổi học trò hồn nhiên là đáng thương yêu, trân trọng, nâng niêu, gìn giữ... Năm nay hương Tết về theo những cơn gió tàn đông giá lạnh. Đã mấy ngày nay, chiều nào ông Khang cũng đứng nơi cửa sổ nầy nhìn bóng hoàng hôn từ từ lặn sau dãy núi, để giữ riêng cho mình những tâm sự cùng những tháng ngày phôi pha. Vũ trụ đổi thay, con người cũng thay đổi... Biết như thế, nhưng sao lòng ông vẫn u hoài...

Bây giờ là những ngày giáp Tết. Nàng xuân đang ngắm nghé giữa khung trời giá lạnh. Đã nhiều năm qua, tuy chưa lần nào ông thật sự được sống lại với những phong tục thiêng liêng trong ba ngày Tết, nhưng trước cảnh xinh tươi của đất trời, tự nhiên ông thấy cũng giảm đi phần nào nỗi buồn xa xứ.

Nhìn xuyên qua khung cửa kính vào đêm 30, ông Khang chẳng thấy bóng dáng nàng xuân, mà chỉ có những đám mây đang chùng thấp xuống, lãng đãng bay trong cơn gió se lạnh. Ông rời tạm bàn tiệc cuối năm ít phút để rồi tảng ra đứng cạnh chậu mai đang trổ hoa đầy cành tươi thắm thật đẹp. Đây là những giây phút riêng, rất riêng của ông không ai chia xẻ được, chỉ cần vài phút riêng tư thôi cũng đủ gợi lại trong ông một kỷ niệm buồn, vui không diễn tả được.

Đêm dần về khuya, ông Khang từ giã căn nhà ấm cúng của gia đình người bạn trong Chúa về nhà. Con đường tráng nhựa lung linh ánh đèn đã chìm sâu vào bóng đêm. Chiếc xe chạy ngang vài căn nhà đang thấp sáng, chắc là người cùng quê hương chờ đón giao thừa. Có chút gì ấm áp, một chút gì lặng lẽ gợi lên lòng người lữ khách qua đường giữa đêm khuya. Trong không khí tĩnh lặng, tiếng chuông nhà thờ ngân dài, vang vọng khơi lại dư âm những kỷ niệm xưa vốn đã buồn càng buồn thêm tưởng như bất tận và dài như thiên thu.

Đêm nay, Chúa Xuân uy nghi diễm lệ trải rộng khắp thế gian trong đêm giao thừa trên xứ người, hàng triệu đứa con tha hương đang sống trọn vẹn lòng mình với tất cả tâm hồn và con tim, bằng nỗi nhớ thương muốn khóc được. Giờ đây, bên kia bờ Thái Bình, trên quê nhà, những người thân yêu ơi, có biết ông đang ngóng đợi phút giao mùa của bao kẻ xa nhà buồn thương, nhận quê hương người làm quê hương thứ hai của mình không? Ông Khang thầm tạ ơn Chúa đã quan phòng an ủi, dẫn dắt ông những năm qua hầu ông sống có mục đích cho Ngài, phục vụ Ngài là niềm vui thật sự của ông.

Bên ngoài đêm vẫn trải dài, gió vẫn rít từng cơn hoà trong tiếng pháo nổ ì  ầm đón chào năm mới mà lòng thổn thức. Chân bước trên những con đường xứ lạ quê người nhưng hồn như còn trên quê hương mình. Ôi! Quê hương ta đó! Đất nước ta đó! Yêu biết chừng nào! Mỹ Tho mỹ miều, Sài gòn tráng lệ có thấu chăng tầm hồn ông muôn nghìn thương nhớ. Thương lắm! Quê hương tôi!





Đuốc Thiêng 99

01 Bao lâu? - ĐTPÂ
02 Thơ: Chúc Tết - Tiền Đăng
03 Năm mới: người mới - Mục sư Nguyễn Văn Bình
04 Thơ: Xuân về - Bình Tú Ngọc
05 Cuộn chỉ thời gian - Nguyễn Đình Bùi Thị
06 Mùa Xuân của Anh Hai Mít - Mai Đào
07 Thơ: Tết về thăm quê hương - Linh Quyền
08 Đời chẳng ai ngờ - Vinh Bằng
09 Thơ: Sống kết quả - Bình Tú Ngọc
10 Thương lắm quê hương tôi - Bà Lê Văn Bắc
11 Thơ: Cảm thương - Võ Chánh Tiết
12 Xứ Do Thái khi Chúa Jêsus khởi sự công tác - Mai Đào
13 Tiểu sử Thánh Ca - Phan Gia
14 Giêrusalem, 4000 năm lịch sử - Lạc Hồ
15 Sinh ra từ phần mộ - Mỹ Khánh Fleckner
16 Tin Tức - Vinh Bằng